Dich vu bao ve: Chủ tịch cho rằng chủ quyền quốc gia là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm, ông Trương Tấn Sang khẳng định Nhà nước ta không phải "bảo vệ chủ quyền bằng miệng".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 chiều 26/4. Ảnh: Hữu Công.
Ngày 26/4, trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của người dân về vấn đề chủ quyền Quốc gia. Trong đó, cử tri Nguyễn Xuân Đáng, phường Tân Định cho biết, hiện nay nhiều người dân đang rất lo lắng về tình hình biển đảo, nhất là trong tranh chấp chủ quyền biển Đông với Trung Quốc và mong muốn được biết đường lối của Nhà nước về việc xử lý vấn đề này.
Theo ông Đáng, chúng ta khẳng định mình có chủ quyền, nhưng vấn đề là làm sao đảm bảo cho ngư dân ra biển đánh bắt cá trong vùng biển của mình. Ông dẫn chứng, vừa rồi tàu của ngư dân bị bắn cháy cabin, rồi thường xuyên bị Trung Quốc bắt giữ trong khi ngư dân mình không có gì đảm bảo chắc chắn. "Nhiều người cho rằng chiến lược thì chúng ta có nhưng trước mắt thì chưa nên mới bị động như vậy", ông Đáng nêu vấn đề.
Cùng quan điểm, cử tri Phạm Văn Chuyền, thuộc Hội luật gia quận 1 cũng đề nghị nhà nước, Quốc hội phải bày tỏ thái độ rõ ràng đối với Trung Quốc để dân biết và an tâm.
Phát biểu trước cử tri quận 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định lập trường trước sau như một của Đảng và Nhà nước là không bao giờ từ bỏ chủ quyền. Chúng ta giải quyết mọi tranh chấp bằng hòa bình, dựa trên công ước quốc tế năm 1982 về Luật biển và đã được các nước ASEAN cùng nhiều nước trên thế giới đồng tình. "Tôi cũng nghe thông tin lề trái cho rằng, các vị lãnh đạo toàn bảo vệ chủ quyền bằng miệng. Nói như vậy là thái quá, là không nên. Nếu thực sự như vậy thì tình hình kinh tế xã hội, an ninh chính trị chúng ta không được như bây giờ", Chủ tịch nước chia sẻ.
Theo người đứng đầu nhà nước, Việt Nam đấu tranh bằng con đường ngoại giao không có nghĩa là nhu nhược "mà quan trọng là kết quả như thế nào". "Giải pháp ghê gớm mà bị thua thiệt thì không nên", Chủ tịch nước nói và cho biết cũng chính bằng con đường hòa bình mà chúng ta đã thông qua được Luật biển.
Cử tri Nguyễn Xuân Đáng bày tỏ lo lắng về vấn đề chủ quyền biển đảo tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM chiều 26/4. Ảnh: Hữu Công.
Ngoài ra, theo Chủ tịch nước dù có bị o ép rất nhiều nhưng là một quốc gia độc lập có chủ quyền và là một thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã nộp hồ sơ ranh giới thềm lục địa lên Liên hiệp quốc từ mấy năm trước. "Hồ sơ bao gồm 2 vùng rất quan trọng Hoàng Sa và vùng phụ cận thuộc phía Bắc nước ta. Tổ tiên chúng ta mấy trăm năm đã từng ở đây, đánh bắt cá ở đây thì bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục", Chủ tịch nước nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận việc người dân lo lắng là đúng, nhưng "không bình tĩnh thì rất dễ lâm nguy". Về vấn đề bảo đảm an toàn cho ngư dân, Chủ tịch nước chia sẻ: "Chúng tôi rất quan tâm và nắm tình hình thường xuyên, hàng ngày, không phải là chỉ chờ nghe báo cáo. Tôi cũng đã trực tiếp đi gặp ngư dân để hiểu rõ mọi chuyện".
Liên quan đến ý kiến cử tri cho rằng "đang có thông tin Trung Quốc đưa nhiều người dân của họ, nhiều người có nhân thân không tốt đến làm ở dự án bô xít Tây Nguyên", Chủ tịch nước khẳng định đây là dự án 100% của Việt Nam. Chúng ta mua thiết bị của Trung Quốc và họ giúp lắp đặt, giao trọn gói vì vậy mới có lao động Trung Quốc làm việc. "Nghị định về quản lý lao động nước ngoài cũng có rồi, chỉ nhận lao động kỹ thuật thôi nếu để xảy ra vấn đề có lao động không kỹ thuật xuất hiện thì chúng ta phải trách những nhà quản lý của mình", Chủ tịch nước lý giải.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 26/4, cử tri quận 1 (TP HCM) cũng nêu bức xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về giá vàng trong nước chênh lệch quá nhiều so với vàng thế giới, hiệu quả của việc đấu thầu vàng và cả việc có hay không có chuyện nhập lậu vàng. Về vấn đề này Chủ tịch nước cho biết hiện đang có nhiều dư luận và ý kiến khác nhau, Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra, nếu có tiêu cực chắc chắn sẽ bị xử lý.