Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Nữ phó giáo sư 8X đa tài bảo vệ nhiều đề tài khoa học

Theo dantri: Bỏ qua cao học để làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Anh ở tuổi 26, 31 tuổi (năm 2012) được phong chức danh phó giáo sư, Nguyễn Khánh Diệu Hồng tự tin với những gì mình đã có và đạt được với niềm say mê nghiên cứu khoa học.

Hiện phó giáo sư Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981) là giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Yêu văn thơ, thích vẽ tranh nhưng lại chọn thi khối A

Những cảm nhận đầu tiên với vị nữ phó giáo sư (PGS) trẻ nhất trong đợt phong chức danh này cuối năm 2012 dường như trái ngược so với tưởng tượng về một nhà nữ nghiên cứu khoa học. Nguyễn Khánh Diệu Hồng đem lại cho người tiếp xúc cảm giác hòa đồng nhưng không thiếu chút "kiêu ngầm" của một cô gái Hà thành với những thành công đáng nể trong công việc và cuộc sống.
Nữ phó giáo sư 32 tuổi Nguyễn Khánh Diệu Hồng.
  

Những kỷ niệm gắn bó với khu vực Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ thuở nhỏ được Nguyễn Khánh Diệu Hồng đưa ra như một mối duyên cũng là nguyên nhân khiến một nữ sinh Hà thành yêu văn thơ, thích vẽ tranh lại đăng ký thi vào trường đại học này. Không dừng ở đó, sau 4 năm nghiên cứu sinh và thực tập tại Anh, cô đã không chần chừ quay về với ngôi trường mình gắn bó để khẳng định sự nghiệp của mình ở đây.

Trong cuộc trò chuyện với vị PGS trẻ này, sự tò mò về chân dung một nữ khoa học trẻ của phóng viên  được thỏa mãn trước bảng thành tích liên tục từ thời học sinh, sinh viên đến nay của Diệu Hồng. Song ấn tượng nhất từ nữ khoa học là phong cách 8x với nét nữ tính, sự thẳng thắn, thông minh cùng khá nhiều tài lẻ được cô tiết lộ. Dù bận rộn với công việc của một giảng viên đứng lớp, tham gia hướng dẫn luận văn thạc sỹ, nghiên cứu sinh, Diệu Hồng vẫn dành không ít thời gian cho gia đình nhỏ của mình khi con gái của cô mới gần 1 tuổi.

"Có lẽ vì là dân Hóa nên có lợi thế trong việc chế biến nấu ăn. Chỉ cần ông xã nói thích món gì mình có thể tự tìm tòi để ra đúng hương vị của món ăn đó" - Diệu Hồng bật mí về cuộc sống gia đình tưởng như không dễ chu toàn với một nữ tiến sĩ say mê nghiên cứu khoa học.

Học giỏi từ nhỏ với nhiều thành tích từ bậc tiểu học đến phổ thông, bao quát các lĩnh vực từ văn hóa, nghệ thuật, sự toàn tài của Diệu Hồng được chứng minh bằng những bức tranh do cô sáng tác.

"Ở nước ngoài một mình phải giải quyết mọi công việc, những lúc như vậy, vẽ tranh là một liều thuốc tinh thần rất hiệu quả với bản thân tôi. Cũng vì vậy mà bức tranh vẽ cầu Tháp bắc qua sông Themes ở London đã được tôi ứng tác trong liền 2 ngày không nghỉ” - Diệu Hồng nhớ lại.

Ngôi nhà của những ai yêu khoa học

Không giống như nhiều bạn bè thường có lựa chọn cơ hội ở lại nước ngoài sau thời gian học tập để tìm kiếm cơ hội phát triển, Diệu Hồng sớm quyết định về nhà ngay khi hoàn thành nghiên cứu sinh tại đại học University College London, trường được xếp hạng tốp đầu thế giới và 1 năm thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện nghiên cứu hoàng gia Anh dù cô là người Việt Nam đầu tiên có được cơ hội làm việc tại đây. "Về nước thấy ấm cúng hơn nhiều, quanh mình có mẹ, có gia đình nhỏ và cả một môi trường cộng đồng nghiên cứu khoa học kết nối rộng khắp" - nữ PGS 32 tuổi cho biết.


PGS Diệu Hồng (
PGS Diệu Hồng (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến đi thực tế.

Tiếp thêm niềm say mê nghiên cứu khoa học cho các sinh viên của mình, Diệu Hồng chia sẻ, giới trẻ rất năng động. Sinh viên ở trường luôn có sự tìm tòi, sáng tạo đáng ngạc nhiên. Vì vậy, với vai trò của một giảng viên, một nhà nghiên cứu khoa học, Diệu Hồng không ngừng nỗ lực hết mình. Khó khăn đối với một nhà nghiên cứu cũng khó có thể hình dung hết nhưng không có sự kiên trì, không say mê, không hy sinh sẽ không có thành quả. “Một sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao là rất khó. Mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, có những lúc thất bại, việc thử nghiệm cũng không dễ dàng. Chỉ đến khi mọi người thấy được công dụng cũng như so sánh giá thành thì sản phẩm mới chính thức được công nhận.” - Diệu Hồng chia sẻ.

Ngay từ khi còn là sinh viên, niềm đam mê với nghiên cứu khoa học đã đến với Diệu Hồng với định hướng lựa chọn rõ ràng về lĩnh vực nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường. Thành công đầu tiên của Diệu Hồng chính là một nhánh đề tài của Hồng cùng nhóm nghiên cứu, trong khuôn khổ một đề tài lớn của thầy hướng dẫn, được ứng dụng thực tế vào năm 2003. Năm đó, đề tài này đã giành giải Nhất “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam” 2003 của Quĩ VIFOTEC và Huy chương Vàng tại Hội chợ công nghệ Việt Nam 2003.

Tiếp tục thành công này là hàng loạt những nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về nhiên liệu sinh học thân thiện môi trường, các chất tẩy rửa trong đời sống và trong công nghệ lọc Hóa dầu trong đó có Hồng được đưa vào ứng dụng... Niềm vui ngày càng lớn khi những thành quả của cả nhóm nghiên cứu “sống” thực sự sau khi vượt qua nhiều thử nghiệm trong môi trường sản xuất kinh doanh vốn với những vị khách hàng thực dụng và khó tính. Đây là một nguồn tiếp sức lớn cho niềm đam mê nghiên cứu của Diệu Hồng và của cả những học trò của cô giáo trẻ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cũng từ ngọn lửa say mê khoa học đó, đối với Diệu Hồng, Viện Kỹ thuật Hóa học là ngôi nhà thứ hai của cô. Ngôi nhà này của Diệu Hồng còn liên tục mở rộng với nhiều thành viên mới khi những sinh viên, nghiên cứu sinh đăng ký làm việc với cô đều được giao kèo phải coi đây là nhà. “Coi là nhà có nghĩa là phải biết tôn trọng các quy định của phòng thí nghiệm, biết tiết kiệm, phải gọn gàng, cẩn trọng an toàn cho ngôi nhà của mình, và quan trọng hơn là biết chia sẻ ý tưởng, giúp đỡ các thành viên trong nhóm thay vì dành riêng cho bản thân, để cạnh tranh...” - Diệu Hồng tâm sự.

 

Một số thành tích của phó giáo sư Nguyễn Khánh Diệu Hồng

2003: Huy chương Vàng Chợ Công nghệ Việt Nam TECHMART năm 2003

Giải nhất “Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTECH năm 2003”

2004: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo 2004

2005 - 2007: Huy Chương vàng Quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Award of World Interllectual Property Organization) dành cho tài năng trẻ sáng tạo nhất (Best Young Inventor Award) 2004

Bằng khen gương “Người tốt việc tốt” của thành ủy Hà Nội

Được Huy Chương “Vì Tuổi trẻ Sáng tạo” do Trung Ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng 2005

Huy chương Vàng Chợ công nghệ Việt Nam năm 2005

2009: Bằng khen của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho thanh niên tiêu biểu thủ đô Hà Nội năm 2009

2010: Giải Nhất “Sáng tạo trẻ” của thủ đô Hà Nội lần thứ 7 năm 11/2010
         Giải Nhì sáng tạo trẻ toàn quốc 11/2010

2011: Giải thưởng bài báo xuất sắc tại hội nghị khoa học châu Á về Công nghệ sinh học và Năng lượng tái tạo tại Bangkok (Thái Lan), 12/2010.

Nữ Đại tá từng quăng mình che bom bảo vệ khách quốc tế

Theo báo giadinhxahoi: Trong 15 năm công tác tại Cục Cảnh vệ, Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn đã không ít lần bảo vệ các đệ nhất phu nhân của nhiều quốc gia, nhưng với bà, lần lấy thân mình che bom, bảo vệ cho nữ Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Venezuela là đáng nhớ nhất...

Tình cờ thành chiến sĩ Cảnh vệ 
Bà Đoàn sinh năm 1945 tại thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đầu năm 1964, vừa tròn 19 tuổi, bà Đoàn ước mơ trở thành một kỹ sư hóa học. Nhưng nghề đã chọn bà, ngày 18/12 cùng năm, bà được tuyển vào lực lượng Cảnh vệ - Bộ Công an. Sau hơn 9 tháng được đào tạo tại Trường Công an Trung ương, bà được phân công về công tác tại Đội Bảo vệ mít tinh hội nghị và khách quốc tế - Cục Cảnh vệ, gọi tắt là Đội 6.

Bà Đoàn có rất nhiều kỷ niệm khi được bảo vệ tiếp cận phu nhân các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam nhưng bà bảo, kỷ niệm sâu sắc nhất của bà là lần bảo vệ nữ đồng chí Alica Zanizet, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Venezuela sang thăm và học tập kinh nghiệm đấu tranh nhân dân của ta, vào năm 1966. Bộ Công an đã giao cho Cục Cảnh vệ trực tiếp bảo vệ đoàn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đoàn chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Alica Zanizet năm 1966.
 Ngày 18/4/1966, đoàn xuống thăm Quảng Ninh. Để tránh máy bay Mỹ ném bom, đoàn xuất phát lúc 6 giờ tối. Bà Đoàn ngồi cùng với đồng chí Alica Zanizet trên chiếc xe ô tô 4 chỗ

Thời gian này, máy bay Mỹ thường xuyên ném bom bắn phá miền Bắc. Sau gần 3 giờ đồng hồ, đoàn đã đến ngã ba, cách nhà máy điện Uông Bí chừng 400m, thuộc Quốc lộ 18. Đến đây, bỗng nghe tiếng máy bay, bà Đoàn nói với đồng chí lái xe: “Dừng xe lại, có máy bay địch!”

Khi lái xe cho xe dừng lại, bà Đoàn vội mở cửa, nắm tay đưa đồng chí AlicaZanize rời khỏi xe. Vừa lúc đó máy bay địch sà tới, gầm rít ghê rợn. Hai bên đường lúc này trơ trụi, không có bất kỳ vật che chắn nào. Máy bay địch lượn vòng rồi sà xuống thấp hơn, bà Đoàn nhanh chóng ra lệnh cho mọi người nằm xuống, rồi vội vàng nằm úp lên lưng, ôm kín người đồng chí Alica Zanizet.

“Mọi người vừa nằm xuống thì máy bay địch cũng cắt bom. Tôi nghe một tiếng nổ chói tai rồi có một vật gì đó cứng, nặng rơi giữa lưng tôi đau nhói. Theo phản xạ tôi kêu “ái!”, nhưng cũng chợt nghĩ đến trách nhiệm của mình, phải bình tĩnh để mọi người trong đoàn an tâm, nên khi đồng chí Mộ Thanh - Phó Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hỏi: “Đoàn! Có việc gì không?”, tôi trả lời ngay: “Không việc gì đâu anh ạ!”. Đồng chí Alica Zanizet lo lắng, gọi tôi liên tục, tôi cũng nói tôi không làm sao”, bà Đoàn nhớ lại.

Lúc này nhìn kỹ tôi mới phát hiện quả bom rơi cách chỗ chúng tôi nằm chừng 20m, khói bom khét lẹt khiến mọi người ngột ngạt, khó thở. Pháo phòng không của ta từ bốn phía bắn lên tới tấp, mấy phút sau máy bay địch hoảng sợ chuồn thẳng.

Bà Đoàn cùng chồng và các con, cháu (Ảnh do gia đình cung cấp).

Bà Đoàn cùng chồng và các con, cháu (Ảnh do gia đình cung cấp).

Khâm phục tinh thần người chiến sĩ Cảnh vệ

Hết tiếng pháo, bà Đoàn và mọi người mới trở dậy, lên xe đi tiếp, nhưng không đi được nữa vì bom của địch đã cắt đôi Quốc lộ 18. Bà xin ý kiến và đồng chí  Mộ Thanh quyết định cho Đoàn quay lại Hà Nội. Đi được khoảng 5 km thì bà Đoàn đề nghị đoàn xe dừng lại để kiểm tra mọi người có sao không.

“Tôi lấy đèn pin soi vào người, vào chân tay đồng chí Alica Zanizet thấy đồng chí không bị  thương. Đồng chí Alica Zanizet ôm chầm lấy tôi và hôn lia lịa. Tôi lại tiếp tục kiểm tra người khác. Khi rọi đèn pin vào đồng chí lái xe thì chợt thấy cánh tay của anh có vết máu, tôi hỏi dồn: “Có sao không anh Phú?”.

Anh bảo chỉ xoàng thôi, còn lái xe được rồi giật lấy chiếc đèn pin trên tay tôi: “Đưa đây! Tôi kiểm tra cô xem nào!”. Lúc anh Phú phát hiện trên lưng tôi có một vết thương tím bầm, máu chảy ri rỉ thì hỏi han rối rít rồi giục mọi người lên xe để chở tôi về Hà Nội cấp cứu, dù tôi đã bảo không cần phải làm ầm lên như vậy...”.

4 giờ sáng xe mới về đến Hà Nội, sáng hôm sau, bà Đoàn và mấy đồng chí khác vào Bệnh viện 108 . Các bác sỹ cho biết sức khỏe của mọi người vẫn bình thường, riêng bà Đoàn phải vào viện điều trị tại Khoa Lý –liệu.

Sau vụ việc này, đồng chí Alica Zanizet cũng như các đồng chí trong đoàn Venezuela rất cảm động, khâm phục tinh thần phục vụ tận tụy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khách của người chiến sỹ Cảnh vệ Việt Nam. Với chiến công này, bà Đoàn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bộ Công an thăng cấp hàm trước niên hạn từ Hạ sỹ lên Trung sỹ và được Chi bộ đưa vào diện kết nạp Đảng.

Sau 15 năm công tác, Cục Cảnh vệ cử bà Đoàn đi học tại Trường Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân), học xong bà được biệt phái sang ngành du lịch và công tác tại Khách sạn Thắng Lợi. Năm 1998 bà Đoàn được điều động về công tác tại Bộ Công an và giữ chức Phó Trưởng ban Phụ nữ của Bộ, tháng 4/2001, bà Đoàn được nghỉ hưu.

Tuy đã nghỉ nhưng bà Đoàn vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội dành cho những cán bộ hưu trí, trong đó có Câu lạc bộ sỹ quan của Bộ Công an và Hội Khuyến học ở khu chung cư Ciputra…

Đau lòng ngày tết đi tắm biển, ba nữ sinh chết đuối

Theo báo tuoitre: Chiều tối 11-2 (mùng 2 tết Quý Tỵ), ông Nguyễn Sở, phó trưởng Công an xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đến chiều tối cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn và người dân địa phương đã tìm và vớt được thi thể 2 trong 3 nạn nhân bị sóng biển cuốn trôi ở bãi biển Khe Hai, xã Bình Thạnh. 
Ảnh minh hoạ biển
 Hai nạn nhân đã tìm được thi thể là Phạm Thị Ngọc Phú (15 tuổi) và Phạm Tiểu Hương (12 tuổi), cùng ở khu vực 2, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn. Nạn nhân mất tích còn lại chưa tìm được thi thể là Đặng Thị Như Thảo (14 tuổi), cùng ở thị trấn Châu Ổ.
Trước đó, vào khoảng 13g30 phút 3 nữ sinh Phú, Hương và Thảo cùng với một bạn học là Nguyễn Thái Thảo xuống bãi biển Khe Hai chơi tết sau đó cả nhóm cùng rủ tắm biển. Trong lúc tắm biển thì bị sóng biển cuốn trôi cả 4. Chỉ có Nguyễn Thái Thảo thoát nạn nhưng trong tình trạng kiệt sức.
Hiện lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang tích cực tìm kiếm tung tích của nạn nhân mất tích còn lại.
* Rớt xuống biển, một thanh niên mất tích
Đến 19 giờ ngày 11-2 (mùng 2 tết Quý Tỵ), thi thể của thanh niên rớt xuống biển tại danh thắng quốc gia gành Đá Dĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa được tìm thấy.
Trước đó, vào khoảng 16g ngày 10-2 (tức mồng 1 tết), tại khu vực này, anh Phạm Quốc Công, sinh năm 1988, ở xã Tân Tiến, thị xã Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) cùng 4 người bạn ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) đến gành Đá Đĩa để chơi tết và chụp ảnh kỷ niệm. Không may, anh Công bị trượt chân rớt xuống nước.